Ngược dòng lịch sử, ta thấy áo bà ba xuất hiện trước nhất ở Nam bộ thời kỳ Hậu Lê. Áo bà ba vốn là áo không cổ, được may bằng loại vải một, vải ú, vải sơn đầm…rất mau khô và dễ giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông tạo sự thoải mái cho người mặc, gần vạt áo có thêm hai túi to khá thuận tiện cho việc đựng những vật dụng nhỏ như cặp tóc, khăn tay, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng Nam Bộ mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... Với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa. Sau này áo bà ba truyền thống được đàn bà thành thị cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và đương đại hơn. Áo bà ba hiện không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng cho ôm sát lấy thân hình. Ngoại giả, người ta còn sáng tạo các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn. Áo bà ba kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã tôn lên vẻ đẹp, hình hài vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh tú, mềm mại. Sang bao biến cố lịch sử, những thăng trầm của đời sống, áo bà ba vẫn là bộ y phục giản dị, nền, rất hợp với người dân chân chất, thật thà ở nơi sông nước này. Những người con xa xứ đến đây sau bao năm vẫn thấy mọi thứ thật hiền hòa, mộc mạc và quá chừng gần gụi thân thương. Vẫn áo bà ba thấp thoáng bên dòng nước xanh, xuồng ba lá. Áo bà ba vương mùi bếp khói, thơm mùi lúa nếp trổ đòng. Áo bà ba len lỏi giữa chợ nổi ven sông, vắt vẻo trên cây cầu nối hai đầu nhớ thương. Áo bà ba đượm mùi mồ hôi trong những vụ mùa bội thu còn rộn ràng tiếng cười. Áo bà ba lung linh trên sông trăng cho lứa đôi hò hẹn. Áo bà ba buồn đìu hưu trong câu hò điệu lý từng làm nao lòng sao lữ khách mỗi khi đến đây… Đâu đâu cũng là sắc áo bà ba để rồi có ai đó xa quê, nghe cô ca sĩ nọ ngọt ca "Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/ thập thò con xuồng bé nhỏ đến mỏng manh/ Nón lá đội nghiêng khinh con sóng dữ/ Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…”. Là lại mong được trở về ngồi xuồng ba lá, trôi bềnh bồng giữa sông nước bát ngát phủ bóng tràm xanh mát… Vũ Thị Huyền |