Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Ngoại hạng Anh sắp đá, truyền hình vẫn cãi nhau

Sau khi thấy “kêu cứu” với Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cũng chưa tạo được áp lực cho VTV và K+, hôm qua 23/7, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã quyết định gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan này có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

“Hiệp hội đã có văn bản gửi VTV đề nghị xem xét tổ chức cuộc họp với Hiệp hội và các thành viên Ban điều hành đàm phán mua bản quyền EPL để bàn việc giải quyết, nhất là khi thời gian khai mạc đã cận kề. Nhưng cho đến thời điểm này, Hiệp hội vẫn chưa nhận được hồi âm của VTV”, công văn nêu rõ.

“Vì vậy, Hiệp hội trân trọng đề nghị Bộ TTTT, Văn phòng Chính phủ quan tâm, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời để bản quyền phát sóng truyền hình EPL mùa giải 2013 - 2016 tại Việt Nam đạt được sự hài hòa về lợi ích của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và lợi ích của người hâm mộ cả nước”.

Trước đó, vào ngày 18/7, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chính thức có công văn từ chối đề nghị của Bộ TTTT yêu cầu “VTV đứng ra tổ chức họp bàn phương án chia sẻ bản quyền EPL với các đài khác. VTV cho rằng, cuộc gặp gỡ giữa các bên vào lúc này là không cần thiết vì không thể làm gì được nữa khi hợp đồng mua độc quyền 2 gói phát sóng EPL đã được Canal + và IMG thực hiện.

Trong một tháng trở lại đây, nhất là sau thời điểm VTV chính thức tuyên bố K+ được toàn quyền trong vụ bản quyền giải Ngoại hạng, các nhà đài khác cũng như VNPay TV đã liên tiếp gây sức ép nhưng mọi việc không tiến triển hơn trước bởi màn “lạng lách” khá khéo léo của VTV. Nhà đài này lúc tuyên bố không thể can thiệp vì các điều khoản luật pháp quốc tế, lúc lại bảo đây là “chuyện đã rồi” khi chuyện ký kết đã diễn ra quá lâu mọi tác động vào thời điểm này là vô nghĩa.

Không biết, khi “kêu” tới cơ quan quản lý cao nhất và cả tới Văn phòng Chính phủ, kết cục câu chuyện sẽ ra sao. Chỉ có một điều đã rõ, VTV vẫn muốn giữ tiếng là vì lợi ích cộng đồng nhưng cũng không bỏ được lợi ích mà việc độc quyền mang lại, còn các nhà đài khác thì không cam chịu thua thiệt nhưng cũng chẳng thể hiện được sức mạnh cần có của một hiệp hội. Điều rõ ràng nữa có thể nhận thấy, là trong suốt vụ lùm xùm này, chưa thấy có ai hay đại diện nào cho người xem truyền hình, được lên phép lên tiếng hay được hỏi han đến. Vậy thì có lẽ ai nắm bản quyền, thì người xem vẫn cứ bị móc túi trả tiền giá đắt mà thôi.